NÔNG DÂN GẶP MA'Ma cũ ma mới' đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện, không chỉ ở Việt Nam mà còn xảy ra hàng ngày ở Mỹ.
Đồng hương lần đầu gặp nhau nơi đất khách quê người, trong câu chuyện thăm hỏi lẫn nhau thường có câu hỏi: anh (chị) sang đây lâu chưa? Một câu hỏi rất bình thường nhưng chứa nhiều ẩn ý. Hay là những câu hỏi dạng sâu hơn một chút là có quốc tịch hay chưa có quốc tịch Mỹ?
Những người có ý tốt thì họ dành cho những đồng hương mới đến những chia sẽ chân thành, nhưng ngược lại có một số người nhìn những người mới đến Mỹ là những chú nhà quê lên thành phố đáng thương hại…
Nhưng đó không phải là vấn đề mà nông dân muốn đề cập đến, vì trong một số trường hợp tỏ ý thương hại những người mới đến, thì đâu đó cũng còn những người sẵn sàng giúp đỡ đồng hương ở giác độ cá nhân hay trong các tổ chức xã hội,… một cách vô vụ lợi.
Nông dân chỉ muốn đưa ra tình huống thực tế mà mình đã trải qua.
Nông dân bước vào làm việc tại công ty hiện tại với vị trí thấp nhất, vì thời điểm đó công ty không cần những vị trí mà chuyên môn mình có.
Ngày đầu tiên đi làm việc, nông dân phải chịu cảnh ‘tra hỏi’ về lý lịch như kiểu hỏi cung:
Anh tiểu bang nào đến?
Sang Mỹ lâu chưa?
Bên Việt Nam làm gì?
Sang Mỹ với ai,….Những câu hỏi này nghe quen quen giống như hồi đi phỏng vấn ở số 04 Lê Duẩn – Sài Gòn.
Sau khi nghe nông dân thật thà 'giải trình', thằng leader phán:
Bên Việt Nam ông làm việc sướng như vậy thì sang đây làm gì.
Bên Texas ông làm hãng lớn như vậy mà bỏ sang đây làm chi.
Rồi bắt đầu những câu hỏi khác? vân vân và vân vân.Mặc dù đã trả lời lúc phỏng vấn, nhưng người chủ buộc phải làm động tác check background của mình, mà thông thường, động tác này chỉ áp dụng cho nhân viên văn phòng hoặc các vị trí quan trọng.
Ừ, muốn check gì thì cứ check. Nông dân nghĩ bụng, mình xin vô làm cái công việc vai u thịt bắp mà cần quái gì phải check này check nọ.
Sau check background của mình không có chút gì lợn cợn, người chủ mới đồng ý nhận nông dân tiếp tục làm…công nhân.
Màn chào hỏi ban đầu đã xong, tiếp theo là những ngày mình làm việc đúng nghĩa của một thằng nông dân đi cày sâu cuốc bẩm: chui vô kho lạnh, khuân vác, lâu chùi,…cái gì nặng và tệ thì ma cũ nó đẩy cho mình nếm thử. Lâu lâu còn bị mấy thằng ma cũ chế nhạo: cái đầu ngu như vậy mà cũng gọi là có học à. Ừ mà mình cũng ngu thật….
Sau khi sang Seattle được một tuần, mình đã được hai công ty nhận làm việc. Một công ty chủ là người Tàu nhận vào vị trí inventory controller, nhưng nông dân không làm vì không ưa. Nông dân quyết định bước một chân vô cái công ty có người chủ Mỹ gốc Việt, giống như cái ý định của mình khi còn ở Việt Nam.
Chịu đựng được một thời gian ngắn, nông dân quyết định gặp trực tiếp với chủ để nói chuyện theo kiểu được ăn cả, ngã về không... Kết quả là nông dân được chuyển lên làm controller đúng như việc mình đã làm bên Texas. Và bắt đầu một cuộc chiến đấu mới với ma cũ mới.
(
Đàm phán như thế nào để có kết quả như vậy là cả một vấn đề, nông dân không tiện viết ra, hiện tại nông dân đã làm được hơn những gì đã cam kết lúc đàm phán, có nghĩa là không bao giờ nói khác sự thật nếu không muốn ảnh hưởng đến uy tín cá nhân mình)
Bên dưới thì chống, bên trên office thì tẩy chay mình, từ General Manager người Việt, cho đến nhân viên kế toán, văn phòng,…người Việt lôi Mỹ, kết hợp với nhau làm một cuộc chống đối, kể cả ngầm và lộ liễu.
Lý do duy nhất mà mình biết: tại sao chủ lại đưa một thằng lạ hoắc lạ huơ từ bên Texas mới sang vào vị trí quan trọng của Công ty. Cái gì đi nhanh quá hoặc khác thường quá, dễ bị lòng ganh ghét, đố kỵ chiếu cố đến…
Trong một cuộc họp của Công ty có mình tham gia, khi họp được 15 phút, ma cũ đề nghị với chủ không cho mình tiếp tục tham gia nữa, vì mình là ma mới, có nhiều thông tin không được nghe. Haha, chỉ là lý do để cản đường mà thôi. Vì mình mới, nên chủ phải tạm đồng ý để xem xét tình hình…
Đã quen với cách làm việc áp lực cao khi còn ở Việt Nam, cũng như hiểu được thế nào là ma cũ ma mới, nhưng mình bước ra khỏi phòng họp với suy nghĩ miên man: phải chiến đấu như thế nào đây? Tiếp tục hay dừng bước? Và mình đã tiếp tục một mình chiến đấu với ma cũ với sự ủng hộ duy nhất từ người chủ.
Ngày qua ngày miệt mài làm việc và chiến đấu, mình cũng đã giải quyết xong. Những ma cũ chủ chốt của Công ty nhưng ích kỹ, ganh tỵ, đố kỵ, xấu tính đều đã phải ra đi…
Trong quá trình tìm kiếm những người cộng sự cho mình, nông dân cũng đã mang về cho công ty những người có năng lực làm việc. Họ không bị nhiều ma cũ như hồi nông dân mới vô, nhưng đâu đó bên dưới vẫn còn hiện tượng này, mình có nói với những người bạn của mình, hiện tượng ma cũ ma mới có thể là một “đặc sản’ của người Việt. Vì vậy, không có gì cần phải lăn tăn, cứ làm tốt công việc của mình, chờ thêm thời gian thì mới cũng dần dần cũ thôi. Nhưng tuyệt đối không để thành ma:))
Nông dân tôi có nhiều điểm yếu, nhưng có một điểm mạnh là trong bộ nhớ của mình không có từ: SỢ
Hôm nay ngồi viết những dòng này, nhưng ngày mai phải nghỉ việc thì cũng không hề ngại gì hết. Lại tiếp tục tìm việc khác...
Mỗi khi vượt qua một khó khăn, thử thách, đều có cái cảm giác sướng của nó.
Nông dân nhớ câu chuyện hồi xưa, lũ nông dân con hay đi ‘phá làng phá xóm’, có lần cả bọn bị mấy con chó của chủ nhà đuổi theo phải chạy trối chết, có thằng bị chó nó táp cho mấy phát phải đi tìm thầy lang. Nông dân cũng bị chó đuổi theo nhưng do bị khụy chân đứng lại, ngay lập tức thấy chú chó cũng thắng lại cái két. À thì ra, khi bị đuổi, nếu biết ngồi thụp xuống thì có thể thoát được một cách ngoạn mục.