Điều không chờ mà đến
Tùy bút 2
Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà.
thơ Bùi Giáng
Theo dự kiến về hồ sơ bảo lãnh diện mẹ-con, năm 2012 gia đình tôi sẽ tới lượt. Ở thời điểm này cách đây ba năm, tôi không quan tâm nên không biết gì về diện F3 hay F4, trừ máy bay F4 từng ném bom Dinh Độc Lập. Thỉnh thoảng, có thư từ NVC gởi về nhà với các khuyến cáo rất cụ thể như đừng bỏ việc, đừng bán nhà. Thư mẫu viết cho mọi người, cùng nội dung chu đáo, chỉ khác tên người nhận. Cứ mỗi nội dung thư của NVC, tôi đều nhận được hai lần. Lần một, tôi chăm chú đọc, nhưng lần hai, thường xem lướt qua rồi mỉm cười vu vơ.
K. quen tôi từ thời cùng học trung học. Học giỏi nhưng nhà nghèo, xưa K. thường chỉ ước được ăn cơm hoặc bột mì, miễn đừng là bo bo. Sau biến cố 75 một hai năm, mẹ tôi bắt đầu tìm đường ra đi cho con cái, tôi luôn là ưu tiên một. Được biết chuyện, K. nhắn nhủ nhớ nghĩ đến K. nếu đi được. Biết mình sẽ đi, tôi rất sao lãng việc học, ngắn gọn là tôi học hành chẳng đâu ra đâu. K. ngược lại, chỉ còn đường học, nhưng rồi cũng không yên. K. yêu vật lý, giờ chơi năm học lớp 9 đã lôi phương trình E = mc2 [bình phương] lừng danh của Einstein ra giảng giải cho đám bạn, dĩ nhiên chẳng ai muốn nghe. K. lại còn đùa rằng, đó là phương trình 'Em muốn cả hai'. Thi đậu vào khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp học được ít lâu, K. nhận lệnh tổng động viên tham gia cuộc chiến ở Campuchia, rồi chạy thoát sang Thái Lan sau đó. Thật trớ trêu, K. sau này là công dân Mỹ, còn tôi, sẽ ở lại rất lâu quê nhà.
Khoảng năm 2007, một người bạn đi cùng K. tới nhà thăm tôi. K. bây giờ là một chuyên viên về Computing, từng học hết MS, hiện sống ở Massachusetts và chưa bao giờ thất nghiệp từ lúc ra trường. Lạ một điều là K. tỏ ra rất sốt sắng trong việc khuyên tôi đừng đi Mỹ khi biết tôi có hồ sơ bảo lãnh. Theo K., nếu đi Mỹ, tôi sẽ đánh mất cuộc sống bình yên, tốt đẹp mà mình đang có. Tôi cũng tự biết rằng mình đang sống yên ổn, và sự đảo lộn cuộc sống nếu chọn ra đi là không đơn giản, nếu không nói là sẽ rất khắc nghiệt với hai người lớn chúng tôi. Tôi cũng nhận ra một điều nữa từ K., trước giờ vẫn thế: ít khi hài lòng với những gì chính mình đang có. Một đầu óc hay lối suy nghĩ luôn thiên về lý tính phê phán.
Vâng, vấn đề ở đây thế nào là bình yên tốt đẹp, và bình yên tốt đẹp cho ai, cho chúng ta hay cho con cái? Thêm nữa, sự bình yên kia được K. thoáng nhìn theo thì hiện tại, còn đặt vào thì tương lai ai biết sẽ là sao? Tôi từng nhắn nhủ vợ, mà cũng là cách tự nhắn nhủ mình: "Em ạ, đời chúng ta cho đến tuổi này là những ván bài đã ngửa, có hay có dở cũng đã an bài, chẳng còn có thể hay hơn hoặc dở hơn là bao, hãy nghĩ cho tương lai tụi nhỏ, vì khi ta mất đi, các con sẽ là hình ảnh tiếp nối của mình nơi thế gian này. Phải đi thôi." Hẳn là trong suy nghĩ của hai người đàn ông trung niên khi ấy có sự khác biệt lớn lao chứ không còn đơn sơ và nhiều điểm tương đồng như của hai thiếu niên lơ mơ ba mươi năm trước đó.
(còn nữa...)